Lê Văn Cường - nông dân công nghệ...
Tại Lâm Đồng, nông dân Lê Văn Cường là một trong những gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương....
Nhiều hộ nông dân ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động để làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Một trong những nông dân tiêu biểu hàng đầu là ông Lê Văn Cường (số 54B, đường Nguyên Tử Lực, phường 8, TP Đà Lạt) đã trở thành một “đại gia” nông dân nhờ biết ứng dụng NNCNC vào sản xuất rau, quả …...
MẠNH DẠN VỚI CÁI MỚI
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Đức, chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Những năm gần đây, nông dân Đà Lạt từng bước chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất ứng dụng KHKT công nghệ cao, nâng cao chất lượng cây trồng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với diện tích đất tự nhiên là 40.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 9.750ha, diện tích ứng dụng NNCNC như: nhà lưới, nhà kính, màng phủ nilon, sử dụng hệ thống tưới tự động là 1.350ha. Ở đây, nông dân Lê Văn Cường là một trong những gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông Lê Văn Cường, chủ trang trại (nay là Giám đốc Cty Đà Lạt GAP), cho biết: “Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi hầu hết nông dân của TP rau hoa nổi tiếng này còn sử dụng phân xác mắm để bón cho cây trồng, thì tôi đã tiếp cận với công nghệ rau sạch. Năm 1997 tôi đã thành lập trại giống cây trồng và đã áp dụng công nghệ gieo hạt giống trên giá thể. Đây là công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiện lợi trong canh tác”. Ông Cường đã chuyển giao quy trình kỹ thuật và sản xuất các loại cây giống, phục vụ nông dân trong tỉnh. Đến năm 2008, ông chính thức chuyển toàn bộ diện tích đất trồng rau của mình sang canh tác công nghệ rau sạch, mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới, chế độ phân bón hoàn toàn tự động. Đầu năm 2009 ông thành lập Cty TNHH Đà Lạt GAP, cũng là năm ông gặt hái được nhiều thành công, được Uỷ ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) chứng nhận sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn của hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Tiếp đến, tháng 4/2009, sản phẩm rau của ông Cường được chứng nhận đạt chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn châu Âu)....
Ông Cường cho hay: “Sau khi nhãn hiệu rau Đà Lạt được công nhận độc quyền (Dalat GAP), Cty của tôi được xem như là đơn vị chuẩn về rau sạch, chuyên trồng, nhân giống rau, hoa quy mô công nghiệp, cung cấp rau, quả tươi cao cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay Cty có 7 ha sản xuất rau, trong đó 6 ha nhà kính với hệ thống tưới nước, bón phân tự động hóa, ngoài ra tôi còn hợp tác với 2 hộ nông dân có diện tích đất lớn trên 10ha để sản xuất rau khi có hợp đồng lớn”. Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Cty là sản phẩm ớt ngọt, sản xuất cà chua an toàn, các sản phẩm rau sạch cao cấp, nhân giống khoai tây bằng phương pháp khí canh...
VÀ ĐẠT “SIÊU LỢI NHUẬN”!...
Hiện tại, sản phẩm ớt ngọt (Capsicum) đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 400 tấn ớt ngọt cấp đông (IQF) doanh thu 2 tỷ/năm. Quy trình sản xuất ớt theo phương pháp trồng cây trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt qua hệ thống Fertigation (Irrigation Head Stock). Hệ thống này đã kiểm soát lượng phân bón và độ pH của nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng ở các khu vực khác nhau. Phương pháp này đòi hỏi đầu tư chi phí hơi cao, nhưng đổi lại hiệu quả kinh tế rất cao, năng suất đạt 100 tấn/ha/năm. Làm theo cách này, tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng hơn là thu được sản phẩm chất lượng cao, được thị trường Nhật Bản (thị trường khó tính nhất thế giới) chấp nhận. Đặc biệt phải kể đến sản phẩm cà chua an toàn: Đây là quy trình trồng cà chua vô hạn, có thân dài trên 15m, năng suất đạt trên 300 tấn/ha/vụ (9 tháng), sản xuất theo phương pháp này năng suất cao gấp 5 lần so với phương pháp canh tác bình thường. Quy trình đơn giản, dễ làm, đầu tư thấp, nên nông dân có thể áp dụng vào sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều hộ nông dân đang áp dụng trồng cà chua theo phương pháp này. Kế đến là các sản phẩm rau sạch cao cấp: Sản xuất các loại rau ăn lá, ăn quả (xà lách, dưa chuột, cà tím…), các sản phẩm này được sản xuất theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao, nên có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều, mẫu mã đẹp phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, với mức 80%. Sản phẩm làm ra được ký kết hợp đồng giá ổn định trong 6 tháng. Sản lượng rau sạch nội địa từ 250-360 tấn/năm. Giá bán trung bình từ 12.000-20.000đ/kg. Doanh thu từ rau sạch đạt trên 5 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Cường là một trong những nông dân hiện đại, trong suốt những năm qua, ông đã nỗ lực, không ngừng nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng KHKT phục vụ cho ngành nông nghiệp ở Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Thay đổi cách nghĩ, cách làm mới cho người nông dân, mang lại sản phẩm rau, quả tươi, an toàn, chất lượng cao, góp phần nâng đời sống, sức khỏe cho người dân. Đặc biệt vừa qua Cty Đà Lạt GAP vinh dự được Bộ NN-PTNT công nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng. Ngoài công việc sản xuất rau quả tươi sạch, ông Cường còn sản xuất cây giống sạch bệnh, hàng tháng sản xuất hàng triệu cây giống xuất ra thị trường. Doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Đặc biệt vừa qua ông đã phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh, để cung cấp giống khoai tây sạch bệnh, năng suất cao cho vụ đông xuân ở miền Bắc và các tỉnh Tây Nguyên… Công nghệ ươm cây giống của ông đã được cơ giới hóa từ khâu đóng giá thể vào vỉ, rửa khay, xếp vỉ, gieo hạt bằng máy tự động, chính vì vậy giảm được công lao động từ 5-7 lần. Theo các nhà chuyên môn, công nghệ ươm cây giống mới này đã tiết kiệm cho vùng rau Đà Lạt trên 100 tỷ đồng/năm....
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC...
Song song việc sản xuất các loại rau, hoa quả theo quy trình Global GAP, ông Cường còn chú trọng công tác đào tạo nhân lực, đây là con đường ngắn và nhanh nhất để tiếp thu các tiến bộ KHKT trong canh tác công nghệ cao. Cứ 2 năm một lần ông Cường cử cán bộ sang các nước có nền nông nghiệp tiên tiến để học hỏi và nắm bắt công nghệ mới (cụ thể là kết quả của quy trình trồng cà chua có năng suất trên 300 tấn/ha). Hiện nay nhân lực của công ty có 46 người, trong đó có 8 người trình độ đại học, ngoài ra các nhân viên trực tiếp sản xuất, bộ phận sơ chế đều qua lớp đào tạo, tập huấn và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. ...